Đối với người ngoài ngành, B2B có lẽ là một từ vựng còn khá xa lạ, thậm chí là chưa bao giờ được nghe đến. Nhưng trong kinh doanh, đặc biệt là sau khi thương mại điện tử bùng nổ, cụm từ này ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Nó là một thuật ngữ chuyên ngành mà bất kì doanh nhân nào cũng phải hiểu rõ.
“B2B là gì? Mô hình B2B ra sao? Nó đóng vai trò gì trong kinh doanh? Case study về các doanh nghiệp đang sử dụng mô hình B2B trên thế giới hiện nay” là những vấn đề chúng ta sẽ làm sáng tỏ trong bài viết này.
Hãy chú ý theo dõi bài viết này, chúng tôi tin rằng qua đây không chỉ giúp bạn có thêm kiến thức cơ bản về mô hình này, mà bạn còn có thể vận hành hoạt động B2B hiệu quả qua case study mà chúng tôi mang tới.
B2B là gì?
Mô hình B2B thực chất là viết tắt của cụm từ “Business to Business” – nói dễ hiểu là hình thức kinh doanh, buôn bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. B2B thường hiện hữu là mô hình thương mại điện tử, là các giao dịch thông qua sàn thương mại điện tử hoặc sàn giao dịch điện tử. Một số giao dịch phức tạp hơn có thể diễn ra ngoài thực tế.
Không chỉ vậy, bạn có thể thấy được nét đặc trưng trong các doanh nghiệp sử dụng mô hình B2B là luôn có quy trình mua hàng riêng biệt, khoa học. Nhờ quy trình mua hàng này mà tiết kiệm được nhiều thời gian xử lý, tối thiểu hoá các chi phí phát sinh. Không chỉ vậy, quy trình mua hàng khoa học còn giúp khách hàng doanh nghiệp mang tâm lý thoải mái khi đặt hàng, và một ấn tượng “chuyên nghiệp” về doanh nghiệp đối tác.
Các loại mô hình B2B thường gặp
Trên thị trường Việt Nam hiện nay phổ biến với 4 loại mô hình B2B như sau:
Mô hình B2B dạng trung gian
Mô hình này hiện đang phổ biến nhất với sự xuất hiện của các “ông lớn” như Lazada, Shopee, Sendo, Hotdeal, Tiki.vn,…Định nghĩa về dạng mô hình này là “Hai doanh nghiệp trao đổi sản phẩm và dịch vụ với nhau qua một sản thương mại điện tử”.
Nhưng với trải nghiệm thực tế từ các sàn thương mại điện tử này, bạn có thể dễ dàng hiểu được bản chất của nó. Các doanh nghiệp có nhu cầu bán sản phẩm sẽ gửi và quảng bá trên sàn thương mại điện tử. Các doanh nghiệp khác có nhu cầu mua chỉ cần tìm kiếm, cho vào giỏ hàng rồi đợi shipper tới giao hàng. Và tất nhiên, giao dịch mua bán trên sẽ được bảo hộ quyền lợi và tuân theo quy định mà sàn thương mại điện tử đặt ra.
Mô hình B2B dạng thương mại hợp tác
Dạng thương mại hợp tác chỉ khác dạng trung gian là mang tính chất tập trung hơn và thuộc quyền sở hữu của nhiều đơn vị. Mô hình B2B dạng thương mại hợp tác thường được biết đến nhiều hơn với các hình thức:
- Sàn giao dịch Internet
- Chợ điện tử
- Thị trường điện tử
- Sản giao dịch thương mại
- Cộng đồng thương mại
Mô hình B2B chủ yếu bên mua
Loại mô hình này rất ít gặp. Mặc dù vậy một vài doanh nghiệp vẫn sử dụng B2B theo hình thức này. Nhiều doanh nghiệp còn sở hữu website riêng để đăng tải nhu cầu về nguồn hàng mà mình cần. Sau đó, các doanh nghiệp có nhu cầu bán sẽ tham khảo rồi báo giá nếu có ý muốn bán.
Mô hình B2B chủ yếu bên bán
Hình thức này thường thấy tại thị trường Việt Nam. Chỉ đơn giản là doanh nghiệp thiết lập các trang web riêng, giới thiệu, cung cấp về các sản phẩm, dịch vụ mà bên mình sở hữu cho đơn vị thứ ba tham khảo. Và hầu hết mô hình này thường có khối lượng giao dịch lớn, bán buôn nhiều hơn bán lẻ.
Alibaba – Doanh nghiệp định hình mô hình B2B trong thương mại điện tử
Ví dụ mô hình B2B tại Việt Nam và trên thế giới đều không thể kể hết được vì chúng ta đều thấy rõ được sự phát triển lớn mạnh của các sàn thương mại điện tử hiện nay. Nhưng thực chất, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng mô hình B2B đều có song song chạy mô hình B2C (Business to Customer). Rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp tầm cỡ thế giới mà chúng ta sắp bàn luận dưới đây – Alibaba đều bắt đầu từ B2B, sau đó chuyển mình với B2C.
Về Alibaba
Giới thiệu đôi nét về Alibaba, tập đoàn Alibaba có trụ sở tại Trung Quốc và đã ra mắt nền tảng B2B vào năm 1999 dưới dạng cổng thông tin thương mại điện tử Alibaba.com – cổng thông tin thương mại điện tử đầu tiên.
Như chúng tôi đã giới thiệu ở trên, Alibaba cũng song song chạy mô hình B2C thông qua 2 nền tảng bán lẻ chính là Tmall.com và Taobao.com. Tuy nhiên, mô hình B2B vẫn là một kênh quan trọng đối với tập đoàn này. Tại thị trường Trung Quốc, website B2B mà Alibaba đang sở hữu là 1688.com.
Mô tả mô hình kinh doanh B2B của Alibaba
Alibaba cũng có sự phát triển, tầm nhìn thay đổi phù hợp với thời đại như các tập đoàn lớn khác. Ban đầu, tập đoàn này hoạt động như một cổng thông tin điện tử cơ bản, nhưng sau đó dần thay thế bằng hình thức sản giao dịch điện tử.
Ban đầu khi còn hoạt động dưới dạng cổng thông tin điện tử, Alibaba cung cấp dịch vụ gửi các đơn chào bán sản phẩm, tìm kiếm khách hàng trên Internet cho các doanh nghiệp. Nói chung, khi một doanh nghiệp tham gia vào Alibaba, nó có thể giao tiếp hàng ngày với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Alibaba kết nối hàng triệu công ty với đa ngành đa nghề với nhau, giúp họ bán mọi mặt hàng từ quần áo đến thiết bị công nghiệp nặng, đồ chơi đến thiết bị gia dụng,…
Hiện nay, Alibaba hoạt động dưới dạng một sàn giao dịch điện tử khổng lồ. Alibaba vẫn cung cấp các thông tin cơ bản như danh mục chào bán của các doanh nghiệp, danh sách khách hàng cần mua và sản phẩm cần mua, thông tin về giao dịch và ngành hàng. Bên cạnh đó, Alibaba nâng cao chức năng của mình với vai trò là người trung gian. Alibaba tạo không gian kết nối người mua và người bán, cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích để thuận lợi hóa giao dịch như tư vấn thêm về phương thức giao dịch, phương thức thanh toán,…Khi phát sinh tranh chấp, Alibaba cũng sẽ hỗ trợ về mặt thông tin trong vòng 7 ngày sau khi nhận được khiếu nại.
Doanh thu của Alibaba lấy từ phí giao dịch, phí thành viên, phí dịch vụ và phí quảng cáo.
Alibaba cũng mang cho mình những định hướng mới với mô hình B2B – số hoá thị trường B2B và xúc tiến thương mại điện tử B2B tại Hoa Kỳ.
Nhiều người sẽ nghĩ rằng B2B không quan trọng bằng B2C, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đang chuyển mình sang B2C rất nhiều. Đối với Alibaba, sự thành công không phải là lợi nhuận, mà là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuận lợi hóa giao dịch thành công với công việc kinh doanh của mình. Thành công ở đây được đo bằng lượng người dùng, không phải là lợi nhuận. Quả thực, Alibaba đã thành công với 150 triệu thành viên đã đăng ký, trong đó có 10 triệu người mua tích cực và hơn 150 nghìn người bán.
Alibaba đã và đang vạch sẵn những chiến lược lớn trong mô hình B2B của mình – đó là nền tảng mã hoá dữ liệu đầu cuối số hoá.
Thử tưởng tượng xem, bạn trong vai trò là người mua có thể tìm thấy người bán, thực hiện tour tham quan bằng công nghệ thực tế ảo VR đến nhà máy của đối tác, đàm phán với họ về thanh toán, vận chuyển, cho vay…thông qua phiên dịch. Bên cạnh đó là đa lựa chọn với sản phẩm mở rộng. Thật tuyệt phải không? Còn đối với người bán, bạn sẽ được cung cấp đầy đủ các công vụ để xây dựng và quản lý cửa hàng, quản lý quan hệ khách hàng, công cụ truyền thông và dịch thuật để tiếp cận khách hàng. Đây chính là điều mà Alibaba hướng đến với nền tảng mã hoá dữ liệu đầu cuối số hoá này.
Mô hình B2B tại Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển, chưa thực sự có những bước tiến lớn trên thị trường chung. Để tiến được bước dài hơn trong giao dịch B2B, e rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, những bước đột phá trong cả kinh doanh lẫn truyền thông qua internet, đầu tư vào website nhiều hơn nữa. Nhớ rằng, Alibaba – tập đoàn hàng đầu thế giới về thương mại điện tử là một trong những case study hay nhất về mô hình B2B. Và bài viết này không thể nào gói gọn được hết những điều Alibaba đã và đang làm tốt với B2B. Hãy bóc tách và phân tích sâu hơn nữa về case study, chúng tôi chắc chắn bạn sẽ đúc rút được nhiều bài học về B2B hơn nữa!