Trong những năm gần đây, các công ty và doanh nghiệp tại Việt Nam đã đầu tư nhiều hơn về mặt hình ảnh và thương hiệu của mình. Họ đã phần nào đó hiểu được tầm quan trọng của một “bộ nhận diện thương hiệu” – hay còn được coi là “bộ mặt doanh nghiệp”.
Tuy nhiên thực tế, sự nhận diện thương hiệu thành công gần như chỉ đến với những “ông lớn” như FPT, TPBank, Vietcombank, Vinamilk, Tiki.vn, Vietnam Airlines, Masan Consumer,…Sự thành công của những thương hiệu này đến từ việc họ biết tập trung triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu từ sớm. Trong khi đây thường là điều mà các công ty nhỏ lẻ sơ suất quên đi hoặc chưa tìm hiểu kỹ càng. Nhận diện thương hiệu sai, không có chỗ đứng trong tâm trí khách hàng, doanh nghiệp nhỏ lẻ thất bại là điều tất yếu.
Vậy bộ nhận diện thương hiệu là gì? Tại sao nó lại được chú trọng đến vậy? Một bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những gì và cần làm gì để một doanh nghiệp có thể thiết kế được bộ nhận diện hiệu quả? Chúng tôi sẽ giải đáp cho các bạn trong bài viết này.
Bộ nhận diện thương hiệu là gì và tầm quan trọng
Bộ nhận diện thương hiệu (Brand Identity) được coi là bộ mặt của một thương hiệu, đại diện cho những ý tưởng và mục đích lớn của doanh nghiệp.
Nói đơn giản hơn, bộ nhận diện thương hiệu là tập hợp những yếu tố hữu hình của thương hiệu, chúng phối hợp với nhau để định dạng và phân biệt thương hiệu này với thương hiệu khác trong tâm trí khách hàng. Yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của bộ nhận diện chính là tính nhất quán.
Tại sao việc xây dựng bộ nhận diện ngay từ sớm lại thực sự quan trọng? Đây là một số lý do chính:
- Tạo nên sự khác biệt: Thương hiệu là khuôn mặt doanh nghiệp. Nhận diện thương hiệu tốt giúp bạn trở nên khác biệt so với các doanh nghiệp khác trong ấn tượng khách hàng. Nó cho thấy doanh nghiệp bạn là ai, đại diện cho cái gì và đang đứng ở đâu trên thị trường.
- Thể hiện sự chuyên nghiệp, xác thực và đáng tin cậy: Với một bộ nhận diện cốt lõi, doanh nghiệp sẽ tỏ rõ bản sắc của mình với khách hàng, thể hiện đây là một bản sắc “có thật”, không phải là một “vỏ ngoài tạm bợ” hay chỉ mang tính chất thời vụ.
- Giúp định hướng trong nội bộ doanh nghiệp: Một hệ thống nhận diện thương hiệu rõ ràng ban lãnh đạo cũng như nhận viên thực hiện đúng các giá trị cốt lõi và những định hướng mà công ty đang theo đuổi.
- Dễ dàng tạo hướng đi chung trong các hoạt động tiếp thị: Bộ nhận diện thương hiệu thường mang theo concept chung và xuyên suốt. Điều đó giúp cho bộ phận tiếp thị của công ty bạn có một tư duy chung trong các hoạt động marketing tương lai.
Bộ nhận diện thương hiệu gồm những gì?
Bộ nhận diện thương hiệu (CIP – Corporate Identity Program) là tất cả những điểm chạm vào thị giác khách hàng.
Về tổng quát thì bộ nhận diện thương hiệu sẽ có những điểm cơ bản như sau:
- Nhận diện cốt lõi: Bao gồm Brand name, Slogan, Logo, Brand guidelines,…Đây là những yếu tố cơ bản đầu tiên – những yếu tố đánh mạnh vào thị giác khách hàng nhất. Các doanh nghiệp luôn chọn các yếu tố này để tạo nên sự nhất quán như logo, màu sắc, font chữ, icon, hình minh hoạ, linh vật, hình ảnh sử dụng,…trong xuyên suốt các chiến dịch marketing.
- Hệ thống nhận diện tại văn phòng: Các đầu mục cần thiết kế trong hệ thống nhận diện này bao gồm biển bảng, name card, file folder, phong bì thư, hoá đơn, chứng từ, huy hiệu, đồng phục nhân viên, backdrop quầy lễ tân,…
- Hệ thống nhận diện tại điểm bán: Các thiết kế như biển quảng cáo, banner, poster, catalogue, brochure, tờ rơi, tài liệu, standee, quầy hàng, kệ sản phẩm,…là những yếu tố nằm trong hệ thống này.
- Nhận diện trên sản phẩm: thể hiện qua bao bì, nhãn mác, kiểu dáng sản phẩm.
- Hệ thống nhận diện trên Internet: App mobile, website, landing page, Mạng xã hội, banner, google ads, facebook ads, email marketing,…
- Nhận diện môi trường: biển hiệu công ty, biển hiệu phòng ban, biển hiệu chi nhánh, phương tiện vận tải, phương tiện và công cụ thi công,…
Mỗi doanh nghiệp thưởng sở hữu những bộ nhận diện khác nhau. Tuỳ theo lĩnh vực, chiến lược, nhu cầu mà mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn những yếu tố khác nhau để tạo nên bộ nhận diện riêng cho mình.
Cần làm gì để thiết kế bộ nhận diện thương hiệu hiệu quả?
Để thiết kế một bộ nhận diện thương hiệu, bạn phải hiểu chính xác mục đích sử dụng của nó. Một bộ nhận diện thương hiệu thành công sẽ cho thấy được các thiết kế cần thiết để tạo ra và phổ biến thông tin về công ty – phong cách, kiểu chữ cho phép, màu sắc, hình ảnh được sử dụng, giọng văn, thậm chí là cả âm thanh và cảm xúc của thương hiệu.
Hiểu rõ về khách hàng của mình
Trước khi bắt đầu lên ý tưởng thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, việc đầu tiên bạn cần làm là phác hoạ chân dung khách hàng. Đây là bước quan trọng nhất, bởi khách hàng và thị trường sẽ quyết định bộ nhận diện thương hiệu của bạn có gì và như thế nào. Có 2 cách xác định khách hàng và thị trường là nhân khẩu học (demographics) và tâm lý học (psychographics).
- Nhân khẩu học (demographics)
Giới tính khách hàng?
Nhóm tuổi khách hàng?
Công việc và mức thu nhập của họ?
Họ sinh sống và làm việc ở đâu?
Từ đó, dựa trên sản phẩm và dịch vụ bạn cung cấp, bạn có thể lựa chọn phân tích cụ thể hơn về văn hóa, trình độ học vấn, ngôn ngữ, chiều cao hay cân nặng,…
- Tâm lý học (psychographics)
Họ thường tham gia các hoạt động nào? Sở thích và hành vi của họ ra sao?
Những vấn đề mà khách hàng thường gặp phải liên quan tới sản phẩm hay dịch vụ bạn cung cấp?
Giá trị liên quan tới sản phẩm và dịch vụ của bạn?
Một bộ nhận nhận diện thương hiệu để thành công, bạn cần có những đầy đủ đặc tính thương hiệu liên quan tới đối tượng này.
Thiết lập một thông điệp thương hiệu (Brand message) xuyên suốt
Trong khi sứ mệnh doanh nghiệp giúp bạn vạch kế hoạch chung và là nền tảng cho các hoạt động chiến lược của công ty thì thông điệp về thương hiệu chinh là tuyên bố chi tiết, sử dụng trong giao tiếp nói hoặc thông qua văn bản. Lưu ý, hãy chọn những thông điệp đơn giản, dễ nhớ để dễ dàng định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Đặt tên thương hiệu cần có ý nghĩa
Tên thương hiệu chính là “điểm chạm” đầu tiên của thương hiệu đối với khách hàng. Nó không chỉ là cách gọi, mà là điều tiên quyết chạm tới cảm xúc của khách hàng về doanh nghiệp. Đặt tên thương hiệu cần có tính gợi, có ý nghĩa rõ ràng, dễ nhớ dễ đọc và không quá dài.
Bảng màu sắc phù hợp gây ấn tượng tuyệt vời
Một bảng màu sắc xác định là một trong những khía cạnh quan trọng trong bộ nhận dạng thương hiệu. Xem xét Goviet, Grab và Be – 3 hãng xe công nghệ chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, bạn có dám chắc sẽ phân biệt rõ ràng công ty nào nếu 3 hãng xe sử dụng cùng màu đại diện?
Bộ nhận diện của bạn nên phác thảo mỗi màu và nêu rõ hướng sử dụng màu như thế nào. Cụ thể, màu sắc nào chỉ được xuất hiện trên logo, các màu sắc khác nhau được sử dụng trên nền và phối hợp chúng như thế nào. Các chuyên gia thiết kế khuyên bạn chỉ nên sử dụng 1 – 3 màu cơ bản.
Trong tài liệu, bạn cần xác định rõ mỗi màu theo tên và mã màu sắc cho từng dự án. Lựa chọn luôn màu chính, màu phụ và màu thay thế cho bảng màu. Chú ý xác định giá trị cho việc in ấn (CMYK) và cho các dự án kỹ thuật số (RGB, HEX) để sản phẩm được chính xác nhất.
Thiết kế logo phù hợp và đừng quên sử dụng sao cho đúng cách
Bạn cần kết tinh toàn bộ thông tin, dữ liệu bạn thu thập được từ chân dung khách hàng, thông điệp thương hiệu của bạn để lên được ý tưởng cho logo, từ đó tạo nên được một logo có tính nhận diện tốt, dễ dàng để nhớ.
Trên đây là sự thay đổi logo của các thương hiệu lớn qua từng thời kỳ, họ không ngại việc thay đổi, chỉ cần logo được thay đổi phù hợp hơn với thời đại và thị hiếu người dùng
Khi đã sở hữu một logo tuyệt vời, bạn cần duy trì tính thống nhất của nó trên mọi mặt bộ nhận diện thương hiệu. Nó bao gồm sự thay đổi về vị trí và kích thước. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo Adobe Corporate Brand Guidelines. Sách hướng dẫn này chỉ rõ cách logo Adobe được sử dụng, phác thảo vị trí, kích thước, khoảng trắng xung quanh sao cho phù hợp nhất. Hãy chắc chắn rằng bạn đang sử dụng logo của mình hợp lý nhé!
Kiểu chữ là một phần không thể thiếu trong thiết kế
Xuyên suốt trong các sản phẩm thuộc bộ nhận diện thương hiệu của bạn cần thống nhất một quy tắc về cách sử dụng kiểu chữ rõ ràng và thật khác biệt. Bạn cần có những gạch đầu dòng cơ bản như kiểu chữ đó được chấp nhận hay không, sử dụng trên mỗi sản phẩm như thế nào, có gì khác biệt khi sử dụng trong in ấn hay các ứng dụng kỹ thuật số hay không, kích thước và cách dùng màu sắc chữ làm sao để phù hợp mà không làm mất đi giá trị cốt lõi thương hiệu đang muốn hướng đến.
Thực chất, các thương hiệu lớn chỉ thường sử dụng một hay hai kiểu chữ chính. Lý tưởng nhất là không quá năm kiểu chữ trong một bộ nhận diện thương hiệu.
Màu sắc, font chữ, logo và hoa văn trong bộ nhận diện thương hiệu của Faupe
Giọng văn và phong cách truyền đạt cũng là “mấu chốt” nhận diện
Nhiều doanh nghiệp hiện nay gần như quên bẵng đi giọng văn trong các sản phẩm truyền thông như quảng cáo, thông cáo, bài blog, email,…cũng truyền tải một phần nào đó giá trị cốt lõi của công ty.
Người xây dựng bộ nhận diện cần phác hoạ sẵn một kiểu ngôn ngữ được chấp nhận sử dụng, phù hợp với phong cách và giá trị cốt lõi thương hiệu đang hướng đến.
Ví dụ điển hình về “tiếng nói thương hiệu” này là IBM những năm 1980. Lúc ấy, đối tượng khách hàng của họ gần như chỉ có những người ra quyết định về xử lý dữ liệu của những tập đoàn lớn. Vậy làm thế nào để IBM có thể thu hút được nhóm đối tượng thuộc doanh nghiệp vừa và nhỏ? IBM đã thay đổi câu văn của mình trong những bài viết của hãng. Họ sử dụng đại từ nhân xưng như chúng tôi, bạn, của chúng tôi, của bạn. Đồng thời họ thường xuyên sử dụng các liên từ để bắt đầu câu văn. IBM tránh dùng nhiều thuật ngữ kỹ thuật, sử dụng phương pháp truyền tải ngang hàng và không thuyết giáo người đọc. Và thực sự, IBM đã thành công, trong ấn tượng của khách hàng là một “IBM-luôn-ở-bên-bạn”.
Như vậy, cách viết marketing có thể trở thành một đồng minh tuyệt vời để bạn xây dựng hình ảnh thương hiệu, chiếm thị phần hiệu quả đấy!
Hoàn thành cuốn cẩm nang nhận diện thương hiệu
Một cuốn cẩm nang nhận diện thương hiệu (Brand guidelines) là sự tổng hợp những yếu tố mà bạn đã thực hiện ở trên. Cuốn cẩm nang này hướng dẫn sử dụng từng yếu tố tạo nên bộ nhận diện thương hiệu. Quy chuẩn cơ bản của một cuốn cẩm nang nhận diện thương hiệu bao gồm:
- Tổng quan lịch sử dụng thương hiệu, tầm nhìn & sứ mệnh, giá trị cốt lõi của thương hiệu.
- Các nhiệm vụ, thông điệp, tuyên ngôn của thương hiệu.
- Phương pháp sử dụng logo.
- Bảng màu cụ thể, hệ thống lại màu chính và màu phụ của thương hiệu.
- Hệ thống lại các font chữ được sử dụng và hoàn cảnh sử dụng trong toàn bộ nhận diện.
- Hướng dẫn triển khai thiết kế các vật phẩm nhận diện thương hiệu khác.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng khởi nguồn của sự sáng tạo đến từ những gì cơ bản nhất. Đừng ngại ngần sử dụng các tông màu cơ bản, đừng chê bai những hình khối đơn giản. Sự đơn giản mà tinh tế luôn mang đến sự thành công vượt trội của các thương hiệu nổi tiếng. Chúc bạn xây dựng được một bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng và hiệu quả cho thương hiệu của mình!