Đừng để nhân tài đi mất vì lầm tưởng về văn hoá doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp là một khái niệm không còn mới mẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các nhà tuyển dụng cũng như ứng viên vẫn chưa thực sự quan tâm đến khái niệm này. “Chúng tôi sở hữu một văn hoá doanh nghiệp tuyệt vời” – lời tuyên bố luôn kề đầu môi của các nhà tuyển dụng mặc kệ đúng sai. Còn ứng viên thì không tìm hiểu kỹ càng, để rồi kết quả là nghỉ việc vì không hợp.

Văn hoá doanh nghiệp và các khái niệm liên quan
Văn hoá doanh nghiệp và các khái niệm liên quan

Lúc này, việc cụ thể hoá khái niệm văn hoá doanh nghiệp là gì, phạm vi của nó đến đâu, những yếu tố nào cấu thành văn hoá doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Dù với cương vị là nhà tuyển dụng hay ứng viên đều phải nắm rõ để tranh vuột mất cơ hội và thời gian của cả hai bên.

Văn hoá doanh nghiệp là gì?

Thực tế, mỗi nền văn hoá, nền tảng kiến thức khác nhau sẽ có khái niệm về văn hoá doanh nghiệp khác nhau. Mỗi doanh nghiệp cũng sẽ có cái nhìn và sự tiếp thu riêng. Nhưng những khái niệm ấy đều hướng đến một ý chung nhất.

Văn hoá doanh nghiệp là tất cả phương thức mà mọi người trong một tổ chức tương tác, làm việc với nhau vì một mục tiêu chung cụ thể. Văn hoá doanh nghiệp được thể hiện thông qua hình ảnh, cách thức hoạt động, tương tác cũng như kỳ vọng trong tương lai. Và những yếu tố này sẽ ảnh hưởng và quyết định đến suy nghĩ, hành xử của từng cá nhân trong doanh nghiệp.

Văn hoá doanh nghiệp cách mà mọi người trong một doanh nghiệp tương tác, làm việc với nhau
Văn hoá doanh nghiệp cách mà mọi người trong một doanh nghiệp tương tác, làm việc với nhau

Phạm vi của văn hoá doanh nghiệp cũng rất rộng. Văn hoá doanh nghiệp thể hiện trong cách thức kinh doanh của doanh nghiệp; cách tương tác giữa các nhân viên với nhau, giữa nhân viên với khách hàng, giữa nhân viên với cộng đồng; cách giải quyết áp lực; cách lên ý tưởng và phát triển; cách thể hiện bản thân; cơ cấu tổ chức; mục tiêu của nhân viên;…Vốn dĩ, văn hoá doanh nghiệp là tập hợp những điều nhỏ nhặt như thế.

Vai trò của văn hoá doanh nghiệp

Hai đối tượng chính chịu tác động trực tiếp của văn hoá doanh nghiệp chính là doanh nghiệp và cá nhân. Một văn hoá doanh nghiệp tốt đều mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Vai trò của văn hoá doanh nghiệp đối với doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp tạo sự gắn bó lâu dài từ người lao động
Văn hoá doanh nghiệp tạo sự gắn bó lâu dài từ người lao động
  • Thu hút nhân tài, tạo sự gắn bó lâu dài với người lao động, từ đó phát triển bền vững: môi trường văn hoá doanh nghiệp tác động tới thái độ, tinh thần và động cơ của người lao động. Một văn hoá doanh nghiệp tốt sẽ tác động tích cực, mang tới một tinh thần hợp tác, tin cậy và gắn bó giữa doanh nghiệp với người lao động. Và một trường doanh nghiệp lành mạnh tiến bộ trong tổ chức, đảm bảo sự tiến bộ của mỗi cá nhân sẽ thu hút nhân tài, người lao động gắn bó lâu năm, từ đó tạo bước đà cho sự phát triển bền vững về lâu về dài.
  • Điều hoà, tận dụng các nguồn lực và tạo lợi thế cạnh tranh: Một doanh nghiệp luôn tồn tại tới 5 nguồn lực (5m) gồm man (nhân lực), money (tài chính), material (nguyên vật liệu), machine (máy móc), method (phương pháp làm việc). Các nguồn lực tài chính, nguyên vật liệu, máy móc và phương pháp làm việc là các yếu tố tạo sản phẩm đầu ra, cũng đóng vai trò là lợi thế cạnh tranh với đối thủ trước khách hàng. Văn hoá doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực điều hoà 4 nguồn lực để chuyển hoá chúng thành các sản phẩm đầu ra. Do đó nó tác động to lớn tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp: có thể nói, văn hoá doanh nghiệp là tài sản sản chung của doanh nghiệp. Nó giúp phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác bằng phong thái, sắc thái, nề nếp, hành vi, tập tục, những yếu tổ tạo nên bản sắc đặc trưng của doanh nghiệp.
  • Triển khai chiến lược hiệu quả: văn hoá doanh nghiệp cũng ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành mục tiêu, chiến lược và định hướng của doanh nghiệp. Và với những thành viên đã được gắn kết với nhau bằng một mục tiêu chung, chắc chắn chiến lược chung mà doanh nghiệp đã chọn sẽ đi đến thành công.

Vai trò của văn hoá doanh nghiệp đối với mỗi cá nhân

  • Hiểu được giá trị của bản thân: trong một doanh nghiệp sở hữu văn hoá tốt, mọi thứ đều rõ ràng từ chiến lược, mục tiêu, nề nếp, mỗi cá nhân sẽ luôn biết được mình cần làm gì, mình là ai, mình đã và đang tạo ra giá trị gì cho doanh nghiệp.
  • Tạo niềm vui và động lực làm việc: Khi có mục tiêu rõ ràng, chiến lược thực hiện mạch lạc, mỗi cá nhân đều có động lực làm việc, đoàn kết với nhau tạo một thể thống nhất, cùng cố gắng vì mục đích chung của doanh nghiệp.

Các yếu tố cấu thành văn hoá doanh nghiệp

Các yếu tố cấu thành nên văn hoá doanh nghiệp của một tổ chức bao gồm behaviours (ứng xử), systems and process (hệ thống và quy trình), practices (các thói quen thông lệ). Khi các yếu tố này được gắn kết xuyên suốt và phối hợp với những giá trị được giữ gìn, từ đó bạn có được một văn hoá doanh nghiệp tuyệt vời.

Behaviours (ứng xử)

Có một sự thật là mọi người trong công ty luôn dõi theo những hành vi, thói quen của những người xung quanh. Nếu cách ứng xử của một cá nhân nào đó không đồng nhất với giá trị của công ty, những giá trị đó có thể trở nên vô nghĩa. Đặc biệt hơn nữa là khi đối tượng được dõi theo ở đây là các nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo cần làm sáng tỏ những hành vi ứng xử được phép đối với nhân viên, và cũng căn cứ vào đó để điều chỉnh hành vi của chính bản thân mình.

Cách ứng xử của mỗi cá nhân là một yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa doanh nghiệp
Cách ứng xử của mỗi cá nhân là một yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa doanh nghiệp

Mỗi nhân viên tuỳ từng mục đích, môi trường, tính chất công việc, ngành nghề sẽ có nhân diện hành vi khác nhau. Ví dụ, đối với những công ty thiên về kỹ thuật, IT, phần mềm, “teamwork” thường mang ý nghĩa “hợp tác là sự giúp đỡ”. Nhưng đối với những doanh nghiệp, phòng ban mang nhiều tính chất cạnh tranh như marketing, sales, kế hoạch,…”teamwork” lại là “hợp tác thông qua sự tranh luận và phản biện”.

Nói chung, khi những hành vi doanh nghiệp đang kỳ vọng được cụ thể hoá, mọi người sẽ dễ dàng tập trung để thực hiện chúng, nhờ vậy thành công đến dễ dàng hơn.

Systems and process (hệ thống và quy trình)

Hệ thống và quy trình cần rõ ràng, minh bạch, xuyên suốt trong quá trình hoạt động
Hệ thống và quy trình cần rõ ràng, minh bạch, xuyên suốt trong quá trình hoạt động

Có 5 yếu tố then chốt quyết định hệ thống văn hoá tổng thể, bao gồm:

  • Mục tiêu, chiến lược: “Tôi nhận ra vì sao mình lạc đường, không phải vì tôi không có bản đồ, mà vì tôi không có một đích đến”. Mục tiêu – “đích đến” là yếu tố đầu tiên cần xác định, sau đó là một chiến lược, một định hướng rõ ràng cho tổ chức để mọi người cùng cố gắng vươn tới mục tiêu ấy.
  • Tuyển dụng: “Không chọn người giỏi nhất, mà chọn người phù hợp nhất” – đó là tôn chỉ của khá nhiều công ty danh tiếng. Thay vì lựa chọn những con người tài năng, có cảm tình hay có điểm chung đối với đội ngũ nhân sự hiện tại, HR thường lựa chọn những người phù hợp với văn hoá doanh nghiệp. Lý do? Để thoát khỏi xu hướng tuyển dụng dập khuôn, hướng tới sự đa dạng trong quan điểm, hoàn cảnh, ý tưởng.
  • Đánh giá: Mức độ đánh giá, phương thức đánh giá, phương thức phản hồi lại đánh giá đều cần được nhìn nhận rõ ràng. Từ đó, thay đổi và điều chỉnh văn hoá doanh nghiệp sao cho phù hợp nhất.
  • Sự phát triển: Định hướng phát triển của nhân viên có đồng nhất với sự phát triển của doanh nghiệp hay không? Một vài trường hợp, những gì nhân viên mong muốn lại lệch hướng so với những gì công ty đang làm. Sự lệch hướng luôn ảnh hướng tới đà phát triển vươn tới mục tiêu, ảnh hưởng tiêu cực tới cả nhân viên lẫn công ty.
  • Khen thưởng: một văn hoá doanh nghiệp tốt là khi nhân viên không cần quan tâm cạnh tranh, lấy lòng đối với ban lãnh đạo để có được sự khen thưởng hay công nhận. Hãy đảm bảo những quy trình khen thưởng luôn minh bạch và công bằng đối với mọi nhân viên.
Khen thưởng luôn là một sự khích lệ tuyệt vời đối với mỗi cá nhân
Khen thưởng luôn là một sự khích lệ tuyệt vời đối với mỗi cá nhân

Practices (các thói quen thông lệ)

Sự kiện thường niên, sự kiện bán niên, các cuộc họp theo tuần, theo tháng – đó chính là thông lệ. Hãy nhớ rằng, những thông lệ ấy có thể bị lỗi thời, không còn hiệu quả theo thời gian, thậm chí trở nên phản tác dụng.

Các cuộc họp theo tuần, theo tháng – đó chính là thông lệ

Ví dụ, trong một công ty sự kiện nhỏ, một cuộc họp toàn công ty luôn được thực hiện mỗi tuần. Nhưng khi quy mô công gấp 3 về nhân sự, cuộc họp toàn công ty trở nên thừa thãi đối với nhân viên bậc thấp vì gần như chỉ có ban lãnh đạo hợp với nhau. Lúc này, chúng ta cần thu nhỏ mô hình họp theo từng nhóm giữa ban lãnh đạo với nhau, giữa lãnh đạo với nhân viên trực thuộc để nâng cao hiệu quả truyền đạt.

Ví dụ về văn hoá doanh nghiệp

Để nhìn nhận rõ nét về văn hoá doanh nghiệp, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn văn hoá của 3 công ty nổi tiếng bậc nhất thế giới thuộc các lĩnh vực khác nhau.

“Ông trùm” mạng xã hội – Facebook

Facebook điều hướng phát triển văn hoá công ty độc nhất. Tại Facebook, bạn sẽ được cung cấp đồ ăn, dịch vụ giặt là, không gian làm việc mở. Nhưng bên cạnh đó là môi trường cạnh tranh, bàn luận thẳng thắn với nhau để giải quyết, học hỏi và phát triển. Song điều gì cũng có hai mặt, môi trường cạnh tranh khiến nhân viên Facebook thường xuyên cảm thấy stress, đồng thời môi trường mở thường dễ thành công hơn đối với doanh nghiệp nhỏ. Vậy, Facebook đã giải quyết điều đó như thế nào?

Môi trường làm việc tại Facebook
Môi trường làm việc tại Facebook

Phương pháp của Facebook chính là chia nhỏ cơ cấu và không gian hoạt động bằng cách xây dựng nhiều khu vực riêng biệt, thuộc nhiều toà nhà khác nhau. Như vậy, lãnh đạo sẽ có thể hoạt động cùng nhân viên, gần gũi hơn, cũng công bằng hơn về quyền lợi cũng như sự cạnh tranh.

Adobe – “Anh lớn” lĩnh vực phần mềm

Công việc trong Adobe thiên về sự sáng tạo do đó Adobe hạn chế tối đa việc quản lý về chi tiết đối với nhân viên. Cụ thể, một nhân viên tại Adobe sẽ không bị ràng buộc bởi các chỉ số, KPIs, thang điểm năng lực,…sự tự do khiến cho nhân viên cho ra các sản phẩm tốt hơn.

Môi trường làm việc tại Adobe
Môi trường làm việc tại Adobe

Lúc này, người quản lý có trách nghiệm sẽ là người cho phép nhân viên tự đưa ra các mục tiêu và deadline để hoàn thiện cho hợp lý. Nhân viên cũng sẽ được tham gia các khóa đào tạo cần thiết để nâng cao kỹ năng của bản thân mình.

SquareSpace – nơi làm việc tốt nhất New York

Khác hoàn toàn với những “người khổng lồ” Facebook hay Adobe, SquareSpace chỉ là một startup vào năm 2003 về lĩnh vực thiết kế website. Và ngạc nhiên thay, hiện nay SquareSpace được mệnh danh là “nơi đáng làm việc nhất New York”.

“Phẳng, mở và sáng tạo” – tôn chỉ của SquareSpace. Có nghĩa là hạn chế tối đa các tầng chỉ đạo, hầu như không có hoặc ít. Nhân viên tại SquareSpace cảm thấy lời nói của họ có trọng lượng, từ đó họ có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo.

Môi trường làm việc tại SquareSpace
Môi trường làm việc tại SquareSpace

Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ của SquareSpace cũng ấn tượng như 100% bảo hiểm sức khỏe loại tốt, kỷ nghỉ định kỹ, văn phòng làm việc hạng A, bữa ăn phong phú, tiệc hàng tháng, khu vực nghỉ ngơi tuyệt vời và các khoá đào tạo chất lượng.

Tuy nhiên, nhìn nhận kỹ, văn hoá doanh nghiệp của SquareSpace sẽ phù hợp với cơ cấu của một doanh nghiệp nhỏ, một startup đích thực. Khi SquareSpace mở rộng mô hình doanh nghiệp lớn, có lẽ những văn hoá doanh nghiệp này có thể cần đổi khác.

Tóm lại, mỗi công ty, tổ chức sẽ sở hữu những văn hoá doanh nghiệp khác nhau, nhưng quan trọng nhất là nó có hay không phù hợp với chính doanh nghiệp, với mỗi cá nhân nhân viên.

Hãy nhìn nhận lại một lần nữa, thực sự hiểu và điều chỉnh lại những hệ thống, ứng xử, thông lệ của doanh nghiệp bạn. Khi định hình lại, bạn có thể thu hẹp lại khoảng cách về văn hoá doanh nghiệp. Điều đó sẽ giúp bạn sẽ không gặp phải trường hợp nhân viên ưu tú của bạn nói rằng: “Văn hoá doanh nghiệp rất tốt nhưng tôi không ở lại!” nữa.

4/5 - (1 bình chọn)

Trả lời